Chi tiết bài viết

Di tích 1: Ngôi nhà trung tâm đồn điền Chi Nê xưa

Di tích 1: Ngôi nhà trung tâm đồn điền Chi Nê xưa Di tích 1, ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê xưa, nay là khu tưởng niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Ngôi nhà trung tâm được xây dựng trên một thế đất rất đẹp, cao ráo và thoáng đãng. Ngôi nhà nhìn về hướng Đông, phía sau là dòng sông Bôi uốn khúc, nước xanh biếc. Nơi đây vinh dự được đón Bác Hồ 2 lần về thăm, làm việc và nghỉ lại năm 1947.

                                    

Ngôi nhà hiện có 6 gian phòng trưng bày.

Gian phòng trang trọng nhất là gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ dâng hương, dâng hoa, báo công trước anh linh chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức các hoạt động kết nạp Đảng, Đoàn, Đội.

                                                   

Hai gian phòng tiếp theo trưng bày về ngành Tài chính Việt Nam. Từ sau cách mạng, để giải quyết khó khăn về tài chính, Bộ Tài chính nhờ ông Đỗ Đình Thiện đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Năm 1946, Nhà máy in tiền được chuyển lên xã Cố Nghĩa, vùng Chi nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đóng tại đồn điền Chi Nê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện.  Tại nơi đây tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam, hay còn gọi tờ bạc “con trâu xanh” được ra đời. Ngày 22/2/1947, thực dân Pháp đã ném bom xuống khu vực đồn điền. Vì bị lộ nên tháng 3/1947, toàn bộ Nhà máy in tiền được di chuyển lên bến Trảng Đà, Tuyên Quang. Đến năm 1953, nhà máy được di chuyển vào vùng núi rừng Việt Bắc, đóng tại Bản Thi, Cao Bằng. Đến đây, nhà máy đi vào củng cố, ổn định các mặt và được mang tên mới là Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương thuộc Bộ Tài chính. Năm 1954, Nhà máy in tiền lại được chuyển về Đê La Thành và đi vào ổn định sản xuất.

 

                                        

 

Gian phòng thứ 4 giới thiệu về những công lao và đóng góp của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện. Những hoạt động và đóng góp tài chính của ông và gia đình có liên quan đến sự kiện thành lập ngành tài chính Việt Nam, đến sự ra đời của đồng bạc tài chính – đồng bạc cụ Hồ, mà đồn điền Chi nê của ông là một địa điểm được Chính phủ cách mạng đặt Nhà máy in tiền đầu tiên trong ngày đầu khi chính quyền mới thành lập.

 

                                    

 

Gian phòng thứ 5 trưng bày những hiện vật mô phỏng về gian phòng Bác ở, khi bác về làm việc và nghỉ lại tại Cố Nghĩa năm 1947. Tối 19/2/1947, trên đường đi Thanh Hóa công tác, Bác Hồ đã nghỉ lại ở Chi Nê trong đồn điền của ông Đỗ Đình Thiện. Buổi trưa, Bác dùng cơm với gia đình, trong bữa ăn Bác hỏi thăm công việc làm ăn và nói: "Mình vào đây mới biết cơ sở cũng lớn và làm ăn quy củ, cũng lạ là địch nó chưa ném bom, và nó sẽ ném, vậy cô có đồ đạc gì quý thì nên sơ tán đi, và tìm chỗ làm lán xa vào trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày". Bác rời Chi Nê tối 19/2/1947, đi rất bí mật nên ít người biết".

                                     

 

Gian phòng thứ 6: Gian phòng sống mãi với thời gian. Năm 1954, khi kháng chiến thắng lợi, gia đình trở về thủ đô, sống tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội. Ông bà sống giản dị, tài sản của gia đình hầu như không còn gì. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa của nhà đại tư sản để ăn sắn, ăn khoai; Từ bỏ một bước lên xe để trèo đèo lội suối; Từ bỏ biệt thự, nhà lầu để ở lán trại; Từ bỏ nhà máy, đồn điền, cửa hàng nhung lụa để lên Việt Bắc làm cách mạng. Ông đi làm nhất định không chịu nhận lương, hiến tất cả đồn điền, nhà cửa cho cách mạng. Tượng bán thân ông bà Đỗ Đình Thiện đặt trong khu di tích là tưởng niệm, là vinh danh những công lao và đóng góp của ông bà với Đảng, với cách mạng.

 

                                    

Tin tức khác