Chi tiết bài viết
Di tích 2: Xưởng in bạc
Tờ bạc Tài chính Cụ Hồ ra đời với sứ mệnh lịch sử đã trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận Kinh tế - Tài chính - Tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Nhà máy in tiền trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng Việt Nam còn hết sức đơn giản. Máy móc chưa hiện đại nên cách thức in tiền cũng rất thô sơ: in lần lượt từng màu, số sê-ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp-xét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti pô. Lúc đó còn in cả các mệnh giá tiền 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào.
Chính tại nơi đây đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là "tờ bạc trâu xanh", vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh. In, cắt, đóng, đếm xong, tiền được cho vào hòm gỗ chất lên xe bò hoặc xe ngựa chuyển vào xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa cất giữ, rồi từ đó mới tỏa đi khắp.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, từ tháng 12/1946 – 2/1947, Cơ quan Ấn loát trung ương đặt tại Đồn điền Chi nê đã cung cấp cho các ngành, địa phương từ Nam Trung Bộ trở ra khoảng 400 triệu đồng bạc Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những khó khăn về mặt tài chính cho Đảng, cho cách mạng và đời sống nhân dân.
Tháng 2/1947, Xưởng in bạc cũng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện. Bác động viên mọi người nỗ lực góp phần phục vụ cho kháng chiến và tin tưởng vào thắng lợi. Bác động viên anh em đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thi đua làm việc phục vụ kháng chiến, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Di tích này có giá trị lịch sử to lớn đánh dấu mốc son chói lọi của nền tài chính tiền tệ Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng cho thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đây là nhà máy sản xuất ra những đồng tiền độc lập đầu tiên của nhà nước Việt Nam được lưu hành trên toàn quốc.