Chi tiết bài viết

Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa

Đồn điền Chi Nê được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Đồn điền được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đầu tiên đặt Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đó lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007 

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam (1946 – 1947) được Chính phủ, Bộ Tài chính và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt tại Đồn điền Chi Nê nay thuộc địa bàn xã Cố Nghĩa - huyện Lạc Thủy – tỉnh Hòa Bình. Tại đây, những “tờ bạc tài chính cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời, đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Khu di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2007.

                               

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà in Tô-panh quân Pháp đang chiếm đóng là một trong hai nhà in lớn nhất Viễn Đông thời bấy giờ. Với nhu cầu cần kíp cho việc chi tiêu của Đảng, của cách mạng và nhân dân, Bộ Tài chính quyết định nhờ ông Đỗ Đình Thiện – một nhà tư sản Việt Nam yêu nước đứng tên và bỏ tiền mua lại nhà in này (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ lập nhà in tiền. Từ đây, Chính phủ ta có nhà in riêng, ngày đêm in bạc.

Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc và nghỉ lại. Trong chuyến thăm Lạc Thủy, Bác căn dặn: “Mình vào đây mới biết cơ sở cũng lớn và làm ăn quy củ, cũng lạ là địch nó chưa ném bom, và nó sẽ ném bom.”, “Đây là nhà in của ta, các chú giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiểu tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân.” Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” ra đời.

          

                                   

Tháng 2/1947, đồn điền Chi Nê bị phá hủy nặng nề sau trận bom của thực dân Pháp. Nhà máy in tiền được lệnh di chuyển lên Trảng Đà – Tuyên Quang.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam, khu di tích khởi công xây dựng trên diện tích 15,5 ha với mong muốn phục dựng lại hình ảnh Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê, để nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ mốc son chói lọi của nền tài chính trong lịch sử Việt Nam.

                         

 

Hiện nay, Khu di tích chia thành 3 điểm di tích chính:

Di tích 1: Ngôi nhà trung tâm của Đồn điền Chi Nê xưa (Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Di tích 2: Xưởng in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1947)

Di tích 3: Kho để tiền.

Tin tức khác