Chi tiết bài viết
Di tích nhà máy in tiền, Hiện tại và tương lai
Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê ( giai đoạn 1946- 1947) nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tại đây những “tờ bạc tài chính cụ Hồ “ đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài chính. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia năm 2007.
Nơi đây đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu mầu xanh. Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và ở lại làm việc. Trong chuyến về thăm Lạc Thủy, Người đã nói :” Đây là nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc…”
Toàn cảnh của đồn điền Chi Nê xưa ( 1946- 1947) Tờ bạc một trăm đồng Việt Nam ( tờ bạc con trâu xanh)
Sau trận bom năm 1947, đồn điền Chi Nê bị tàn phá nghiêm trọng. Theo lệnh của Chính phủ và Bộ Tài chính, cán bộ và chiến sỹ di chuyển toàn bộ Nhà máy in tiền và kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhà máy in tiền đã bị thay đổi và xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tôn vinh những đóng góp của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định quy hoạch xây dựng Di tích lịch sử Địa điểm Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê.
Năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam công trình được tiến hành khởi công xây dựng trên tổng diện tích là 15,5ha.
Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa Khu nhà đón tiếp BQL các khu Di tích
Hiện nay Di tích được chia thành 3 điểm di tích:
Di tích 1: “ Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa”
Di tích 2: “ Khu xưởng in bạc”
Di tích 3: “ Kho để tiền”
Tháng 5 năm 2010 theo Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 24/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, thành lập Ban quản lý khu di tích lịch sử cách mạng địa điểm nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947)
Di tích 1 đã đi vào hoạt động và đón rất nhiều các đoàn khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu lịch sử, nơi đây còn là nơi tổ chức các nghi lễ dâng hương, dâng hoa báo công, tổ chức các hoạt động kết nạp đoàn, đội. Di tích luôn thường trực mở cửa đón khách đặc biệt là các ngày lễ tết trong năm, về dâng hương, dâng hoa, báo công trước anh linh chủ tịch Hồ Chí Minh việc làm đó thể hiện lòng kính trọng và biết ơn tự hào về Bác mãi mãi học tập và làm theo tấm gương của Người.
Di tích 2” Khu xưởng in bạc” sau trận bom năm 1947 đồn điền Chi Nê bị tàn phá nghiêm trọng, toàn bộ nhà máy in tiền được chuyển lên vùng Việt Bắc, hiện nay Di tích 2 đang trong thời gian trùng tu tôn tạo tiến độ thi công sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trước tết nguyên đán 2014, với hai dãy trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, các loại mệnh giá tiền ngày xưa và đặc biệt phục dựng lại hình tượng các cán bộ công nhân của xưởng in đang làm việc tái hiện phần nào lịch sử, quá khứ nhưng lại sống động, có hồn như hơi thở cuộc sống chung quanh và mang ý nghĩa liên quan nhất định như chính đời sống sinh hoạt và nền văn hóa tự tại từ ngàn xưa.