Chi tiết bài viết
Lễ công bố đưa công trình: Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền vào khai thác sử dụng
Lễ công bố đưa công trình: Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền vào khai thác sử dụng
Ngày 5/5, tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ công bố đưa công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vào khai thác, sử dụng.
Đến dự và chúc mừng buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vũ Văn Ninh -Nguyên Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đồng chí Bùi Văn Tỉnh - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình; Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lạc Thủy và các huyện Bạn giáp ranh cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương đã cùng về chia vui.
Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê (1946 – 1947) tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy là nơi đặt cơ sở in tiền trong kháng chiến chống Pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, được Chính phủ thành lập năm 1946 tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Bên cạnh đó đồn điền Chi Nê còn có nhiều đóng góp cho cách mạng trong thời kỳ chống Pháp. Đây là nơi đảm bảo an toàn cho cán bộ cách mạng trong thời kỳ hoạt động bí mật, cung cấp lương thực, thực phẩm, tài chính cho kháng chiến.
Tại buổi lễ, ôn lại truyền thống vẻ vang của di tích nhà máy in tiền tại Đồn Điền Chi Nê. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính của đất nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả của gần 100 năm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp. Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đứng tên và bỏ tiền ra mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh ở Cửa Nam, thành phố Hà Nội để hiến tặng cho Cách mạng. Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại Nhà in Tô-panh là rất lớn; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán Nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” ra đời. Tờ bạc Tài chính cụ Hồ ra đời mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng: góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta.“Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” và thể theo nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình và huyện Lạc Thủy, nguyện vọng của công chức, viên chức ngành Tài chính, đồng thời nhằm tôn vinh những đóng góp của gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện cùng với những người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong những năm qua UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy hoạch, xây dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền với mong muốn phục dựng, lưu giữ lại hình ảnh Nhà máy in tiền và xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, để ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình ông Đỗ Đình Thiện và những người có công với cách mạng trong thời kỳ đầu đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính quốc gia.
Được sự quan tâm của Bộ Tài chính, của hệ thống Kho bạc Nhà nước công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, trong đó 80% kinh phí được Bộ Tài chính và hệ thống Kho bạc Nhà nước hỗ trợ, 20% là ngân sách địa phương và các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp. Sau 17 tháng triển khai xây dựng, công trình đã thi công hoàn thiện xong và hôm nay tổ chức Lễ công bố chính thức đưa vào khai thác, sử dụng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2007. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 24/3/2009. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tôn vinh những đóng góp của gia đình ông Đỗ Đình Thiện khu di tích được khởi công xây dựng trên diện tích 15,64 ha với mức đầu tư trên 270 tỉ đồng, bao gồm 03 điểm di tích chính: Di tích 1 - Ngôi nhà trung tâm của Đồn điền Chi Nê xưa; Di tích 2 - Xưởng in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1947) và Di tích 3 - Kho để tiền. Các đồng chí cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thủy nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của di tích lịch sử văn hóa Nhà máy in tiền Đồn điền Chi Nê, để nơi đây là địa chỉ đỏ là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Tích cực xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử của di tích, kết nối với các điểm di tích, danh lam thắng cảnh của các tỉnh bạn tạo thành Tour du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng giữa Chùa Hương, thành phố Hà Nội - Chùa Tiên, Nhà máy in tiền Đồn điền Chi Nê huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình với Chùa Tam Trúc, tỉnh Hà Nam – khu du lịch Vân Long, tỉnh Ninh Bình .... góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê phát huy giá trị lịch sử cách mạng, trở thành địa chỉ đỏ, niềm tự hào về truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.